1. Thông tin chung
1.1 Thông tin Chương trình EPS
Được thực hiện theo Bản ghi nhớ được ký giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay đã có hơn 134.000 lượt lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình này.
1.2 Cơ quan thực hiện
- Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) là cơ quan trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao là đầu mối phối hợp với phía Hàn Quốc và các cơ quan, đơn vị chức năng của Việt Nam triển khai tuyển chọn, đào tạo và phái cử người lao động.
- Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) là cơ quan được Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc giao phối hợp với cơ quan chức năng phía Việt Nam tổ chức, triển khai. Việc tổ chức phỏng vấn thi tuyển, ra đề thi sát hạch tay nghề, đề thi tiếng Hàn và công tác chấm thi do HRD Korea chịu trách nhiệm.
1.3 Ngành tuyển chọn: Nghề hàn, Nghề khuôn mẫu
1.4 Số lượng tuyển chọn:
- Nghề hàn: 300 người
- Nghề khuôn mẫu: 100 người
1.5 Đối tượng và điều kiện tuyển chọn
- Là học sinh, sinh viên đang học tại Trường được đào tạo từ hệ trung cấp trở lên (riêng đối tượng là quân nhân xuất ngũ được đào tạo từ hệ sơ cấp trở lên).
+ Nghề hàn: được đào tạo nghề hàn hoặc ngành cơ khí (đã được đào tạo lý thuyết và thực hành nghề hàn);
+ Nghề khuôn mẫu: được đào tạo nghề cắt gọt kim loại hoặc chế tạo thiết bị cơ khí (đã được đào tạo lý thuyết và thực hành các modul tiện, phay, mài);
- Đáp ứng đủ các điều kiện tuyển chọn lao động tham dự Chương trình EPS, gồm:
+ Từ 18 đến 39 tuổi (độ tuổi trong khoảng thời gian từ ngày 05/06/1984 đến ngày 06/06/2004);
+ Không có án tích theo quy định của pháp luật;
+ Chưa từng trục xuất khỏi Hàn Quốc;
+ Nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc (bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp) theo visa E9 (lao động EPS) hoặc (và) visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) thì thời gian cư trú phải dưới 05 năm;
+ Không bị cấm xuất cảnh Việt Nam;
+ Không có thân nhân (bố, mẹ, con đẻ; anh, chị, em ruột; vợ hoặc chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc;
+ Không bị mù màu, rối loạn sắc giác;
+ Đủ sức khỏe để làm việc theo quy định của Hàn Quốc.
※Lưu ý: Người lao động được chẩn đoán mắc các bệnh truyền nhiễm như giang mai, lao phổi sẽ bị loại vì không đủ tiêu chuẩn trong kiểm tra y tế và đang sử dụng ma túy sẽ bị buộc phải rời khỏi đất nước nếu được chẩn đoán dương tính với ma túy tại Hàn Quốc.
1.6 Kế hoạch tuyển chọn
Thời gian thông báo | Tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia | Phỏng vấn | Đào tạo nghề | Sát hạch tay nghề |
31/05/2024 | 05/06 – 05/07/2024 | 15/07 – 19/07/2024 | 05/08 – 30/08/2024 | 04/09 – 06/09/2024 |
Đào tạo tiếng Hàn | Thi tiếng Hàn lần 1 | Thi tiếng Hàn lần 2 | Thông báo kết quả thi tiếng Hàn | Gửi hồ sơ sang Hàn Quốc |
09/09 - 23/10/2024 | 24/10/2024 | 31/10/2024 | 08/11/2024 | 30/11/2024 |
1.7 Phương thức tuyển chọn và đào tạo
a. Phương thức tuyển chọn:
- Vòng 1: Kiểm tra hồ sơ.
Hồ sơ đăng ký tham gia của ứng viên, gồm:
- Đơn đăng ký; Bản kê khai thông tin; Bản cam kết dành cho ứng viên đăng ký tham gia chương trình; Bản cam kết dành cho những ứng viên đã từng làm việc tại Hàn Quốc (mẫu các giấy tờ tại các phụ lục 1- 4 kèm theo);
- Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc Giấy CMND/ Thẻ CCCD;
- Bản sao có chứng thực thẻ học viên/sinh viên và bảng điểm có xác nhận của Trường (qua từng tháng, năm học);
- Bản sao Quyết định xuất ngũ (đối với học sinh, sinh viên là quân nhân xuất ngũ);
- Bản sao Giấy báo trúng tuyển của Trường;
- Bản sao Quyết định của Trường về việc thành lập lớp, kèm theo danh sách học viên của lớp.
- 02 ảnh kích thước 3.5cm x 4.5cm (được chụp trong vòng 3 tháng gần nhất);
- Kết quả các xét nghiệm lao phổi, giang mai và kiểm tra thị lực, sắc giác được xác nhận bởi các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh hoặc tương đương;
- Các chứng chỉ, giấy tờ liên quan nếu có (chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ nghề nghiệp).
Những ứng viên có hồ sơ đủ điều kiện tuyển chọn sẽ được tham gia vòng phỏng vấn.
- Vòng 2: Phỏng vấn:
Ứng viên đạt yêu cầu qua vòng phỏng vấn do HRD Korea và COLAB tổ chức sẽ được tham gia khóa đào tạo nghề và tiếng Hàn
b. Tham gia các khóa đào tạo
- Khóa đào tạo nghề (nghề hàn, nghề khuôn mẫu): 120 giờ, chỉ những ứng viên trúng tuyển qua vòng phỏng vấn mới được tham dự khóa đào tạo nghề.
Nội dung đánh giá và bài thi sát hạch tay nghề (Phụ lục 5 và 6 kèm theo).
- Khóa đào tạo tiếng Hàn: 224 giờ
Những ứng viên đạt yêu cầu qua kỳ thi sát hạch tay nghề mới được tham dự khóa đào tạo tiếng Hàn. Kết thúc khóa đào tạo tiếng Hàn, ứng viên được tham dự kỳ thi năng lực tiếng Hàn EPS – TOPIK trên máy tính, điểm đạt yêu cầu là 80 điểm trở lên (80/200 điểm). Ứng viên được tham gia 02 lần thi tiếng Hàn, kết quả chính thức được công nhận là kết quả của lần thi có điểm cao nhất.
Các ứng viên đạt yêu cầu qua kỳ thi năng lực tiếng Hàn mới được làm hồ sơ đăng ký dự tuyển để giới thiệu cho Hàn Quốc tuyển dụng.
2. Phương thức thông báo tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và phỏng vấn
- Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ gửi công văn thông báo tới các trường. Các trường sẽ công khai thông báo tuyển chọn tới toàn thể học sinh, sinh viên đang theo học tại trường. Học sinh, sinh viên có nguyện vọng, đủ điều kiện đăng ký được nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển cho trường. Các trường kiểm tra, xác nhận học sinh, sinh viên đáp ứng điều kiện đăng ký, lập danh sách, tổng hợp hồ sơ gửi về Trung tâm Lao động ngoài nước.
- Sau khi các trường nộp hồ sơ người lao động, Trung tâm phối hợp với Văn phòng HRD Korea tại Việt Nam tiến hành kiểm tra hồ sơ, tổ chức phỏng vấn người lao động.
- Những người lao động đạt yêu cầu qua vòng phỏng vấn, Trung tâm thông báo để người lao động tham gia khóa đào tạo nghề (nghề hàn, nghề khuôn mẫu), tiếng Hàn.
3. Địa điểm, thời gian đào tạo
3.1 Giai đoạn 1: đào tạo nghề (nghề hàn, nghề khuôn mẫu): thời lượng 120 giờ (thời gian 20 ngày)
Địa điểm tổ chức đào tạo nghề:
- Nghề hàn: 300 người, đào tạo nghề tại cơ sở
+ Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lao động Sona thuộc Công ty Cổ phần cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA). Số lượng lao động dự kiến bố trí đào tạo nghề khoảng 100 người.
+ Trung tâm Trung tâm Việt Nhật thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Số lượng lao động dự kiến bố trí đào tạo nghề khoảng 100 người.
+ Trung tâm Hàn Công nghệ cao – Công ty Cổ phần quốc tế VXT. Số lượng lao động dự kiến bố trí đào tạo nghề khoảng 100 người.
- Nghề khuôn mẫu: 100 người, đào tạo nghề tại cơ sở
+ Trung tâm Việt Nhật thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Số lượng lao động dự kiến bố trí đào tạo nghề khoảng 50 người.
+ Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (TP Vinh, Nghệ An). Số lượng lao động dự kiến bố trí đào tạo nghề khoảng 50 người.
3.2 Giai đoạn 2: đào tạo tiếng Hàn, thời lượng 224 giờ (thời gian 33 ngày)
Người lao động được đào tạo tiếng Hàn theo giáo trình tiêu chuẩn EPS-TOPIC của HRD cung cấp. Khóa học được tổ chức tại các cơ sở đào tạo của Trung tâm Lao động ngoài nước tại Hà Nội.
3.3 Giai đoạn 3: đào tạo giáo dục định hướng trước xuất cảnh (sau khi người lao động được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng lao động).
4. Thi tuyển
- Vòng 1: sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề (nghề hàn, nghề khuôn mẫu) những ứng viên vượt qua kỳ thi sát hạch tay nghề mới được tiếp tục tham gia giai đoạn 2 để đào tạo tiếng Hàn. Người lao động không đạt yêu cầu sẽ bị dừng chương trình.
- Vòng 2: sau khi kết thúc khóa đào tạo tiếng Hàn, người lao động sẽ được thi tiếng Hàn trên máy tính, điểm đạt yêu cầu từ 80 điểm trở lên (80/200 điểm). Với đối tượng lao động làm việc trong ngành công nghiệp gốc – nghề hàn, nghề khuôn mẫu, được thi tiếng Hàn 2 lần, kết quả chính thức được công nhận là kết quả của lần thi có điểm cao nhất.
Việc ra đề, tổ chức thi sát hạch tay nghề (lý thuyết và thực hành), thi tiếng Hàn và chấm thi do HRD Korea chịu trách nhiệm.
5. Chi phí người lao động khi tham gia Chương trình
- Chi phí đào tạo nghề và thi sát hạch tay nghề: khoảng 9 - 10 triệu đồng/người
- Chi phí đào tạo tiếng Hàn: khoảng 3.200.000 đồng/người
- Chi phí thi tiếng Hàn: người lao động đóng số tiền Việt Nam tương đương với 28 USD theo quy định của phía Hàn Quốc.
- Nếu được doanh nghiệp Hàn Quốc ký hợp đồng lao động, xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc người lao động phải đóng chi phí phái cử bằng tiền Việt Nam tương đương 630 USD và ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định đối với người lao động tham gia Chương trình EPS.
(Số tiền ký quỹ bao gồm cả gốc và lãi sẽ được trả lại cho người lao động khi hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn; trường hợp bỏ hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hoặc ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động và không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì tiền ký quỹ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 86, Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 44 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính)
Người lao động trực tiếp đóng chi phí đào tạo nghề, chi phí thi sát hạch tay nghề cho đơn vị đào tạo nghề; các khoản chi phí đào tạo tiếng Hàn và lệ phí thi tiếng Hàn nộp cho Trung tâm Lao động ngoài nước.
6. Quyền lợi của người lao động tham gia Chương trình
Được làm việc tại Hàn Quốc với thời hạn 3 năm, nếu DNHQ có nhu cầu sẽ được gia hạn tối đa 01 năm 10 tháng; Có cơ hội tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS;
- Được hưởng mức lương cơ bản (năm 2024 mức lương cơ bản của Hàn Quốc là 2.060.740 won/tháng, quy đổi theo tỷ giá hiện nay khoảng hơn 38 triệu đồng), được hưởng tiền lương làm thêm giờ và tham gia các loại bảo hiểm theo quy định của Hàn Quốc.