Giải đáp một số vấn đề người lao động quan tâm về kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024

Căn cứ kế hoạch mà Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc đề nghị ngày 29/12/2023, Trung tâm Lao động ngoài nước đã Thông báo tổ chức kỳ thi tiếng Hàn Đợt 1 năm 2024, trong kỳ tuyển chọn lần này, phía Hàn Quốc thông báo tuyển chọn 15.374 người (sản xuất chế tạo: 11.276 người; nông nghiệp 895 người; xây dựng 200 người; ngư nghiệp: 3.033 người). Kỳ thi này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, bên cạnh đó cũng nhiều vấn đề người lao động chưa hiểu rõ, có ý kiến thắc mắc, Trung tâm Lao động ngoài nước tổng hợp, trả lời một số vấn đề được nhiều người lao động quan tâm như sau:

1. Muốn đăng ký dự thi tiếng Hàn thì liên hệ với cơ quan nào, thủ tục gồm những gì:

Thời gian đăng ký dự thi thống nhất trên toàn quốc từ ngày 26/01-30/01/2024 (bao gồm Thứ 7 và Chủ nhật), việc tiếp nhận đăng ký thi tiếng Hàn được thực hiện thông qua các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh/thành phố. Không có cá nhân, tổ chức nào ngoài các đơn vị nêu trên được tham gia tiếp nhận Đơn đăng ký. Trung tâm sẽ thông báo danh sách các đơn vị và địa chỉ tiếp nhận của 63 tỉnh trước ngày 20/01/2024 trên website của Trung tâm tại địa chỉ: www.colab.gov.vn

Khi đi đăng ký, người lao động mang theo: Chi phí đăng ký dự thi bằng tiền Việt tương đương 28 USD; Căn cước công dân hoặc hộ chiếu và bản phô tô trang có ảnh; 02 ảnh kích thước 3.5 cm x 4.5 cm (ảnh chụp phông trắng, áo tối màu); file ảnh Căn cước và ảnh chân dung (tùy từng địa phương triển khai, có thể người lao động được bố trí chụp ảnh và scan căn cước và hộ chiếu tại điểm tiếp nhận). Người lao động phải đăng ký trực tiếp, không được đăng ký hộ

Lưu ý: Căn cứ tình hình thực tế, trong thời gian tiếp nhận mỗi địa phương sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể, ví dụ một số địa phương có số lượng lao động đăng ký đông như: Nghệ An, Thanh Hóa phân chia ngày tiếp nhận theo khu vực các huyện, thị xã. Vì vậy, người lao động cần nắm rõ thông tin về kế hoạch của tỉnh, thành phố nơi mình cư trú để đăng ký dự thi.

2. Trong kỳ thi năm nay không áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn lao động có đúng không?

Đúng, trong kỳ thi Đợt 1 năm 2024 không áp dụng các biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương như những năm trước đây, phạm vi tuyển chọn là toàn quốc trừ một số ngành thiểu số đặc thù như nông nghiệp, ngư nghiệp. Tuy nhiên, người lao động có thân nhân gồm: bố/mẹ, vợ/chồng, con, anh/chị/em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không được tham dự Chương trình EPS. Nội dung này sẽ được rà soát kỹ lưỡng trong kỳ thi lần này.

3. Chi phí tham gia Chương trình EPS?

Sau khi thi đỗ qua 02 vòng thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề, được chủ sử dụng lao động lựa chọn và ký hợp đồng, người lao động mới đóng chi phí xuất cảnh bằng tiền việt tương đương 630 USD và 390.000 (bao gồm chi phí hành chính, vé máy bay, chi phí dịch vụ xin visa và chi phí xin visa) người lao động nộp chi phí này cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hôi hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm; ký quỹ 100.000.000 đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, khoản tiền ký quỹ được nhận lại cả gốc và lãi sau khi về nước đúng hạn hợp đồng (chỉ ký quỹ sau khi ký hợp đồng đưa đi với Trung tâm Lao động ngoài nước).

4. Chưa tốt nghiệp Phổ thông trung học có được đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn không?

Căn cứ điều kiện tiêu chuẩn áp dụng đối với người lao động tham gia Chương trình EPS, không quy định về trình độ học vấn đối với người lao động, vì vậy, chưa tốt nghiệp Trung học phổ thông vẫn có thể đăng ký tham dự.

5. Sau khi đạt yêu cầu và nộp hồ sơ, có biết khi nào sẽ xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc

Đặc thù của Chương trình EPS là người lao động được chủ sử dụng lao động lựa chọn căn cứ trên một số hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên, chủ sử dụng lao động không được chọn chỉ định lao động. Ví dụ: người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, có người quen là anh, chị, em đã nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, muốn nhờ công ty đứng ra lựa chọn, tuy nhiên cơ chế tuyển chọn với thông tin lao động được mã hóa và chọn ngẫu nhiên, không cho phép thực hiện theo hình thức này. Vì vậy, người lao động không thể biết trước thời gian sẽ xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc, không ai tác động được vào việc được chủ sử dụng lao động ký hợp đồng lao động.

Lưu ý: Việc đạt yêu cầu qua các kỳ thi không đảm bảo 100% người lao động được chủ sử dụng lao động lựa chọn sang Hàn Quốc làm việc, vì vậy sau khi nộp hồ sơ, người lao động vẫn duy trì các công việc bình thường, tránh tình trạng sau khi nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, chỉ ở nhà chờ đợi này sinh tâm lý lo lắng, căng thẳng, lãng phí thời gian, bị động trong việc sắp xếp kế hoạch công việc, gia đình.

6. Trong kỳ thi lần này, kế hoạch phân làm hai Đợt thi, người lao động có thể lựa chọn thi Đợt 1 hoặc Đợt 2 có được không?

Theo kế hoạch kỳ thi được phân làm 02 Đợt, căn cứ số lượng người lao động đăng ký dự thi, HRD Korea phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước lập kế hoạch cụ thể phù hợp. Người lao động không được lựa chọn đợt thi.

7. Đăng ký học tiếng Hàn ở đâu

Người lao động tìm hiểu và có thể đăng ký học tiếng Hàn ở tại bất cứ cơ sở đào tạo tiếng Hàn nào được cấp phép hoạt động, có kinh nghiệm đào tạo với mức học phí phù hợp; người lao động cần cẩn trọng trước các thông tin thu học phí cao, bao đỗ... Người lao động cũng có thể học trực tuyến trên các website; kênh Youtube dạy tiếng Hàn,HRD Korea khuyến cáo người lao động có thể đăng ký tự học trực tuyến tại website: https://nuri.iksi.or.kr/auth/service/login/loginPage.do?language=en&returl=https://www.iksi.or.kr/lms/man/act/ssoLoginCheck.do?lang=en (Hướng dẫn đăng ký xem tại đây)

Qua khảo sát của Trung tâm, một số người lao động chịu khó, nỗ lực tự học tiếng Hàn trực tuyến vẫn có thể đạt yêu cầu qua kỳ thi.

8. Ngoài Trung tâm lao động ngoài nước, có cá nhân, tổ chức nào phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS không?

Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao phối hợp với HRD Korea tổ chức tuyển chọn, phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (visa E9). Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc các Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tiếp nhận đăng ký dự thi, hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển và thông báo các kế hoạch học định hướng, xuất cảnh và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ngoài Trung tâm Lao động ngoài nước không có bất cứ, cơ quan, tổ chức nào triển khai Chương trình EPS tại Việt Nam.

9. Hiện nay, có một số cá nhân đưa thông tin tuyển chọn lao động trong ngành logistic theo Chương trinh EPS, cho hỏi hiện có tuyển chọn ngành này không?

Hàn Quốc có kế hoạch tiếp nhận lao động để làm các công việc nâng hạ, bốc dỡ hàng hóa thuộc ngành dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay Hàn Quốc đang tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, đóng tàu, Việt Nam chưa phái cử lao động sang Hàn Quốc làm việc trong nhóm ngành dịch vụ. Như đã đề cập, tại Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất phối hợp với HRD Korea triển khai tuyển chọn phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (người lao động được cấp visa E9). Vì vậy, Trung tâm Lao động ngoài nước cảnh báo người lao động cảnh giác trước các thông tin sai sự thật, khuyến cáo người lao động có nhu cầu tham gia Chương trình EPS đi làm việc tại Hàn Quốc phải tìm hiểu kỹ thông tin, quy trình, chi phí tại các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương hoặc tại website của Trung tâm lao động ngoài nước tại địa chỉ www.colab.gov.vn.

10. Danh sách huyện nghèo và các huyện miền núi cụ thể là những địa phương nào?

Người lao động xem thông tin danh sách các huyện nghèo và huyện miền núi (Tại đây) theo Quyết định 353

Tin khác