Người đi lao động xuất khẩu bỏ trốn, ra ngoài làm việc bất hợp pháp đang là vấn đề nhức nhối, diễn ra ở nhiều thị trường như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam, trong đó, Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam, nhưng tỷ lệ lao động bất hợp pháp luôn ở mức báo động. Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 48.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS) thì có đến 32% trong số này đang cư trú bất hợp pháp, không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động. Để giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp, nhằm duy trì và phát triển thị trường này một cách bền vững đang là yêu cầu cấp bách đối với các cơ quan chức năng và của người dân cũng như chính bản thân người lao động.
Để giảm lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều biện pháp như: Tăng cường hỗ trợ thủ tục về nước cho người lao động); tăng cường công tác tuyên truyền vận động; ban hành và áp dụng chính sách ký quỹ, xử phạt hành vi cư trú trái phép tại Hàn Quốc...
Việc quy định NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ lên đến 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh là một chế tài mạnh mà Bộ LĐ-TB&XH áp dụng. Theo Trung tâm Lao động ngoài nước chế tài này đã bắt đầu phát huy tác dụng. Nếu như trước đây người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc tại nơi làm việc thì sẽ bỏ ra ngoài tìm nơi làm việc khác. Tuy nhiên, từ khi áp dụng chính sách này đã có 48 lao động tự giác về nước để nhận lại khoản tiền ký quỹ; chỉ có 2 lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh so với hàng chục người như trước đây.
Việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động vi phạm theo Nghị định 95/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ với mức phạt từ 80 -100 triệu đồng cũng đã được triển khai. Đến nay Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã ban hành 1.092 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cư trú trái phép tại Hàn Quốc sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động. Chính sách này đã có tác động nhất định đến ý thức và trách nhiệm của người lao động trong việc tuân thủ quy định của pháp luật và hợp đồng lao động, đặc biệt là những lao động đang cư trú bất hợp pháp.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 7/9/2015 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2015, trong đó thống nhất miễn xử phạt cho những NLĐ đã có hành vi cư trú trái phép tự nguyện về nước từ ngày 1/9/2015 đến hết ngày 31/12/2015 (sau thời gian này, tất cả những lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ bị áp dụng xử phạt theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ).
Ở Hàn Quốc, hoạt động hỗ trợ thủ tục cho người lao động chuẩn bị kết thúc hợp đồng lao động cũng được chú trọng, các vấn đề vướng mắc về tiền lương, bảo hiểm được hỗ trợ giải quyết để người lao động yên tâm về nước.
Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố có nhiều lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đã tích cực tuyên truyền, vận động đến người dân, chính quyền, đoàn thể cơ sở và yêu cầu các gia đình động viên người thân về nước đúng thời hạn. Công tác này nếu được thực hiện thường xuyên, đồng bộ ở tất cả các địa phương thì mới có thể mang lại hiệu quả tích cực.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, nên tỉ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã có xu hướng giảm. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ này, từ mức 40,38% năm 2014 xuống còn trung bình 35,68% trong 9 tháng đầu năm 2015.