Chương trình xét nghiệm quy mô lớn cùng nỗ lực cách ly những người nhiễm nCoV giúp Hàn Quốc kiểm soát đà lây nhiễm Covid-19.
Châu Âu đang là tâm Covid-19 toàn cầu với số ca nhiễm mới liên tục tăng mạnh ở các quốc gia như Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp. Nhiều nước phải áp dụng biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới để ngăn nCoV lây lan. Trong lúc này, Mỹ cũng đang gặp nguy cơ "vỡ trận" khi các bộ xét nghiệm bị lỗi và không có phương án đối phó cụ thể với Covid-19.
Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc được coi là dấu hiệu mang lại hy vọng và cũng là hình mẫu cho nhiều nước học tập. Đất nước với 50 triệu dân dường như đang hãm được đà lây lan Covid-19 khi chỉ ghi nhận 93 ca nhiễm nCoV mới trong ngày 17/3, so với con số 909 ca trong ngày 29/2, giai đoạn cao điểm của dịch bệnh.
Hàn Quốc làm được điều này mà chưa cần áp dụng các biện pháp cứng rắn như phong tỏa cả một thành phố. "Chúng tôi cảm thấy đó là lựa chọn không hợp lý", Kim Woo-joo, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hàn Quốc, nhận xét, đồng thời cảnh báo rằng bệnh dịch có thể bùng phát trở lại ngay cả khi số ca nhiễm mới đang giảm dần.
Thành công của Hàn Quốc bắt nguồn từ chương trình xét nghiệm rộng khắp và được tổ chức chặt chẽ, kết hợp với nỗ lực cách ly các ca nhiễm nCoV và tìm kiếm những người từng có tiếp xúc với bệnh nhân.
"Năng lực chẩn đoán diện rộng là chìa khóa kiểm soát dịch bệnh. Phát hiện hành trình và những người tiếp xúc cũng có ảnh hưởng lớn", Raina MacIntyre, học giả tại Đại học New South Wales của Sydney, nhận định.
Hàn Quốc đến nay đã xét nghiệm hơn 270.000 người, đạt tỷ lệ 5.200 xét nghiệm/một triệu dân, nhiều hơn mọi quốc gia trừ Bahrain. Con số này ở Mỹ là 74 xét nghiệm/một triệu dân, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Tuy nhiên, thành công này có thể không duy trì được lâu. Số ca nhiễm mới đang giảm dần nhờ Seoul hoàn tất quá trình điều tra cụm dịch tại nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, nơi ghi nhận hơn 5.000 trường hợp dương tính, chiếm 60% tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc.
"Điều đó khiến chúng tôi không điều tra kỹ những khu vực khác", Oh Myoung-don, chuyên gia dịch bệnh ở Đại học Quốc gia Hàn Quốc, cho biết.
Các cụm dịch mới bắt đầu xuất hiện. Giới chức đã ghi nhận 129 ca nhiễm mới, phần lớn có liên quan tới một trung tâm chăm sóc khách hàng ở tây nam thủ đô Seoul. "Đây có thể là điểm khởi đầu của lây lan trong cộng đồng tại Seoul và tỉnh Gyeonggi, nơi có 23 triệu cư dân", chuyên gia Kim nói.
Hàn Quốc hiểu tầm quan trọng trong phòng chống bệnh dịch sau bài học cay đắng với Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS). Một người đàn ông về nước sau khi tới 3 quốc gia Trung Đông và điều trị tại ba cơ sở y tế trước khi được chẩn đoán nhiễm MERS và cách ly. Tới thời điểm này, 186 người đã bị lây nhiễm, trong đó 36 người chết.
Quá trình sàng lọc, truy tìm nguồn tiếp xúc và cách ly gần 17.000 người giúp chấm dứt dịch bệnh sau hai tháng, nhưng đợt dịch đã tác động xấu đến nền kinh tế Hàn Quốc và khiến cả đất nước lo lắng.
"Sự kiện đó cho thấy xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là yếu tố quan trọng nhằm kiểm soát bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện. Kinh nghiệm từ dịch MERS giúp chúng tôi cải thiện hệ thống kiểm soát và phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế", Kim nói, thêm rằng chưa có y bác sĩ nào mắc Covid-19.
Các đạo luật được thông qua sau đó cho phép chính quyền thu thập dữ liệu điện thoại di động, thẻ tín dụng và nhiều thông tin cá nhân của những người dương tính với virus nhằm theo dõi hành trình của họ. Danh tính người nhiễm được loại bỏ trước khi thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, cho phép người dân xác định liệu họ từng tiếp xúc với bệnh nhân hay không.
Không lâu sau khi Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc,Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã chạy đua phát triển bộ xét nghiệm và phối hợp với các nhà sản xuất để chế tạo sản phẩm thương mại. Kit thử đầu tiên được cấp phép ngày 7/2 và phân phối tới các trung tâm y tế lớn, khi đó Hàn Quốc mới phát hiện vài ca nhiễm nCoV.
"Bệnh nhân 31" được xét nghiệm dương tính hôm 18/2. Hàn Quốc phát hiện 2.900 ca nhiễm mới trong 12 ngày tiếp theo, phần lớn là tín đồ Tân Thiên Địa. Đến ngày 29/2, nước này đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc với hơn 3.100 người nhiễm.
Tốc độ gia tăng đột biến làm quá tải năng lực xét nghiệm, trong khi 130 thám tử của KCDC không thể theo kịp các hướng lây lan từ "bệnh nhân 31". Nỗ lực theo dõi hành trình được tập trung vào cụm dịch ở Daegu, nơi 80% người có triệu chứng hô hấp được xác nhận dương tính nCoV, so với 10% ở địa điểm khác.
Các bệnh nhân có nguy cơ cao và mang nhiều bệnh lý nền được ưu tiên nhập viện, trong khi những người có triệu chứng nhẹ được chuyển tới các khu vực tập trung dã chiến. Họ được điều trị cơ bản và giám sát cho tới khi hồi phục, có thể trở về nhà sau hai lần xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Những người tiếp xúc gần, bệnh nhân có ít triệu chứng được yêu cầu tự cách ly trong 2 tuần và liên tục giám sát thân nhiệt. Một nhóm theo dõi địa phương sẽ liên lạc với họ hai lần mỗi ngày để theo dõi tình hình, bảo đảm người cách ly không rời khỏi nơi cư trú. Những đối tượng cố tình trốn cách ly sẽ bị phạt 2.500 USD. Đạo luật được đề xuất hồi đầu tháng nâng mức phạt lên hơn 8.200 USD hoặc một năm tù giam.
Bất chấp nỗ lực, thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang vẫn hết chỗ điều trị cho những người bệnh nặng. 4 người tự cách ly tại nhà trong lúc chờ giường bệnh bị biến chứng và phải đi cấp cứu, nhưng vẫn qua đời sau đó.
Số ca nhiễm mới giảm dần nhờ nỗ lực giữ "khoảng cách xã hội" trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc. Chính phủ khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, liên tục rửa tay, tránh tập trung đông người, làm việc từ xa và thực hiện nghi lễ tôn giáo trên mạng, thay vì đến nhà thờ. Những người bị sốt hoặc có vấn đề hô hấp được hối thúc ở nhà theo dõi trong 3-4 ngày.
"Mọi người bị sốc vì cụm dịch Tân Thiên Địa. Hiện tại nó đã được khống chế", Chun Byung-Chul, chuyên gia bệnh dịch tại Đại học Hàn Quốc, cho hay. Dù vậy, nhiều cụm dịch mới đang xuất hiện và 20% số ca dương tính chưa rõ nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây nhiễm cộng đồng vẫn chưa được xác định.
Chính phủ Hàn Quốc hy vọng sẽ sớm kiểm soát được các cụm dịch mới, tương tự cách họ đối phó với cụm dịch Tân Thiên Địa. Mỗi ngày Hàn Quốc có thể tiến hành 15.000 xét nghiệm, trong khi 43 điểm lấy mẫu lưu động đã được triển khai khắp đất nước. Mô hình xét nghiệm lưu động đang được Mỹ, Canada và Anh học tập.
Bộ Nội vụ Hàn Quốc tuần trước cũng công bố ứng dụng theo dõi người cách ly và thu dữ liệu về triệu chứng trên những ca nghi nhiễm. Tuy nhiên, Chun cho rằng các nhà nghiên cứu vẫn cần thêm nhiều loại dữ liệu để xây dựng mô hình bệnh dịch, cũng như các nguy cơ từ những ca nhiễm mới để nâng cao khả năng phòng chóng Covid-19.
Một số chuyên gia cho rằng mô hình trên có thể thành công ở Hàn Quốc, nhưng lại khó mang lại hiệu quả tương tự tại Mỹ. Nhiều bang của Mỹ đang sao chép hình thức xét nghiệm lưu động, nhưng hệ thống này phân bố không đồng đều và chỉ được triển khai sau khi Covid-19 đã lây lan khắp các thành phố lớn.
"Chừng nào điều này còn chưa chắc chắn, khó có thể nói rằng Hàn Quốc đã vượt qua đỉnh dịch", Chun nói thêm.
Nguồn: https://vnexpress.net/