Ngày
13/7/2015, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với Cục Quản lý lao động
ngoài nước, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
tỉnh Vĩnh Long và UBND huyện Mang Thít tổ chức buổi tuyên truyền, vận động trực
tiếp tới thân nhân, gia đình người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo
chương trình EPS của huyện Mang Thít để thân nhân, gia đình người lao động vận
động con em mình về nước đúng quy định.
Tham
dự Hội nghị có ông Phan Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH;
Lãnh đạo phòng Việc làm - An toàn lao động và Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc
làm - Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Thành Tâm – Phó chủ tịch UBND
huyện Mang Thít và sự tham gia của đại diện các ban ngành, đoàn thể, lãnh đạo
UBND các xã, thị trấn, thân nhân, gia đình những người lao động đang làm việc
tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hết hạn hợp đồng lao động trong năm 2015 và
những người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Năm
2015, Vĩnh Long có 143 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương
trình EPS hết hạn hợp đồng lao động phải về nước. Mặc dù Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn triển
khai công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên
tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú bất hợp
pháp tại Hàn Quốc của tỉnh Vĩnh Long vẫn ở mức cao. Theo thống kê, 6 tháng đầu
năm 2015, tỷ lệ này là 40,54%, trong đó riêng huyện Mang Thít là 33,33%.
Phát
biểu tại Hội nghị, ông Phan Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước đã
giải đáp những thắc mắc của thân nhân, gia đình người lao động, những kiến
nghị, đề xuất của các đại biểu tham dự; đồng thời cung cấp thông tin về chương
trình EPS, những quy định mới được ban hành của phía Việt Nam và Hàn Quốc như: Quy
định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013
của Chính phủ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng hoặc
hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại nước
ngoài; việc thay đổi cách thức chi trả tiền bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh cho người
lao động; việc tăng cường kiểm tra và trục xuất người nước ngoài cư trú bất hợp
pháp tại Hàn Quốc, trong đó có lao động Việt Nam; việc miễn giảm xử phạt đối
với người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước; v.v..
Đồng thời đề nghị chính quyền các cấp của huyện Mang Thít nói riêng và tỉnh Vĩnh
Long nói chung tiếp tục tuyên truyền, vận động trực tiếp đến từng gia đình
người lao động để thực hiện cam kết vận động con em của họ về nước đúng quy
định nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp của địa phương, góp phần giảm nhanh
tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống mức 28% vào cuối
năm 2015 để Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc có thể ký Bản
ghi nhớ bình thường về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm
việc tại Hàn Quốc.
Tại
Hội nghị, ông Nguyễn Thành Tâm – Phó chủ tịch UBND huyện Mang Thít đã thay mặt
cho Lãnh đạo UBND huyện phát biểu ghi nhận và đánh giá cao những hiệu quả mà
chương trình EPS đã mang lại cho địa phương; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục
triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền, vận động đến từng gia đình và yêu
cầu các gia đình ký cam kết vận động con em mình hết hạn hợp đồng lao động
trong các tháng cuối năm 2015 về nước đúng hạn, và những người lao động đang cư
trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước.
Bên
cạnh việc tổ chức tuyên truyền, vận động trực tiếp tại huyện Mang Thít, Trung
tâm Lao động ngoài nước phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và Đài PTTH tỉnh Vĩnh Long
tổ chức chương trình tọa đàm về các chính sách của Việt Nam và Hàn Quốc đối với
người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trên
sóng của Đài PTTH tỉnh Vĩnh Long, tham dự buổi tọa đàm có ông Phan Văn Minh -
Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước và bà Nguyễn Thị Lành – Phó Giám đốc Sở
LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long. Qua buổi tọa đàm này, thực trạng về tình hình lao
động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, các biện pháp mà các cơ
quan chức năng của Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang triển khai trong thời gian
qua, các quy định pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc và các chính sách mới đối
với lao động EPS đã được lãnh đạo hai cơ quan thông tin đầy đủ tới người dân và
các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Long. Trên cơ sở đó, đề nghị các cấp chính quyền
của tỉnh Vĩnh Long, đặc biệt là thân nhân, gia đình người lao động tiếp tục vào
cuộc quyết liệt hơn nữa để vận động người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc
về nước đúng thời hạn sau khi hết hạn hợp đồng lao động; đối với những người
lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước để tạo cơ hội
cho những người lao động mới được sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình
EPS.
Trong thời gian tới, Trung tâm Lao động ngoài
nước sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai tổ chức các buổi
tuyên truyền, vận động trực tiếp tại các địa phương có nhiều lao động đang cư
trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và nhiều lao động hết hạn hợp đồng lao động trong
năm 2015 để tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng quy định.