NGƯỜI ĐỒNG HÀNH THÂN THIẾT CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM TẠI HÀN QUỐC

Vượt qua khó khăn, vươn lên để khẳng định mình

Sinh ra và lớn lên ở các vùng miền khác nhau, đến xứ sở Kim chi trong những hoàn cảnh khác nhau, mới đầu các chị đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả để hòa nhập vào một  xã hội mới. Mọi thứ đều phải gây dựng từ đầu, từ ngôn ngữ, tập quán văn hóa và cả những mối quan hệ. Phải nhanh chóng thích nghi để xây dựng cuộc sống gia đình, tạo lập  tương lai cho bản thân là mục tiêu mà chị phấn đấu. Theo thời gian, những chập chững, lạ lẫm ban đầu rồi cũng trôi qua, không chỉ hoàn thành nghĩ vụ làm vợ, làm mẹ, làm dâu nơi đất khách quê người mà các chị em đã vươn lên, khẳng định được mình, trở thành nhịp cầu nối của cộng đồng người lao động Việt Nam với xã hội Hàn Quốc trong quá trình hội nhập vào cuộc sống mới.
Chị Trần Thị Ngọc Hoa, đến từ Bình Phước, lập gia đình tại Hàn Quốc được gần 10 năm, có một cuộc sống hạnh phúc với cậu con trai 8 tuổi ngoan ngoãn, chia sẻ “ Thời gian đầu thật sự khó khăn vất vả,  ngôn ngữ bất đồng, nói chuyện hai vợ chồng còn phải lấy từ điển ra để tra, tuy nhiên may mắn là tôi nhận được sự chia sẻ từ chồng, chính anh khuyến khích đi học tiếng, tham gia vào các hoạt động cộng đồng nên dần dần trở nên vững vàng”. Hiện chị đang làm cán bộ tư vấn tại Trung tâm Toàn cầu thuộc Tòa thị chính thành phố Seoul. Ngọc Hoa đã hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn về chính sách pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho nhiều người lao động Việt Nam và nhận được sự yêu mến của cộng đồng. Hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, đảm đang thu vén cho cuộc sống gia đình, Ngọc Hoa còn sắp xếp thời gian để theo học năm thứ 2 Trường Đại học Gyeonghee.

Chị Hồng Ngọc, lập gia đình tại Hàn Quốc được gần 20 năm hiện là cán bộ tư vấn có thâm niên tại Trung tâm Hỗ trợ người lao động nước ngoài ở Uijeongbu. Chị cũng là người đồng sáng lập Hội Hương Việt của người Việt tại Uijeongbu, được nhiều anh chị em lao động dành sự yêu mến bởi sự chu đáo, nhiệt tình. Tình cảm của chị đối với người lao động như người chị đối với những người em trong gia đình, có gì sai trái là bị chị “la” tới nơi tới chốn, còn nếu có vướng mắc chị sẽ không tiếc công tiếc sức để hỗ trợ. Hội Hương Việt mà chị đóng vai trò dẫn dắt, định hướng thành địa chỉ đỏ cho những anh chị em lao động xa quê, quần tụ bên nhau, chia sẻ buồn vui và tổ chức các hoạt động thiện nguyện hướng về quê hương, cội nguồn.

Ngoài ra còn nhiều gương mặc khác như chị Ngọc Anh, chị Lan tại Incheon, chị Ánh Tuyết ở Busan, chị Thường ở CheonAn, chị Hằng ở Kimhe ... Bằng sự nỗ lực các chị đã có nhiều cống hiến cho cộng đồng, được bạn bè Hàn Quốc đánh giá cao và cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc yêu mến, trân trọng.

Công việc của những người cán bộ tư vấn tiếng Việt
“Bận như con mọn” có lẽ là từ ngữ để mô tả về công việc của các chị em làm công tác tư vấn cho người lao động. Ti tỉ việc, việc gì người lao động không thể tự xử lý được đều nhờ các chị tư vấn, từ việc bị nợ lương, chuyển đổi công việc, đến các việc như đi chữa bệnh ở bệnh viện, mất sổ tài khoản ngân hàng, vi phạm pháp luật...  “Nói” và “đi” có lẽ là hai hoạt động liên tục diễn ra trong guồng quay công việc của chị ở các Trung tâm, liên tục phải trả lời các cuộc điện thoại đề nghị tư vấn, hỗ trợ thông dịch hay phải trực tiếp đến các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng để hỗ trợ cho người lao động. Và đặc biệt, vì đặc thù công việc, những ngày chủ nhật các chị vẫn phải đi làm cho nên, thật khó để có thời gian cho cả gia đình tổ chức những buổi sinh hoạt đoàn viên đông đủ.
Chị Ngọc Anh, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ người lao động Incheon, người có 10 năm hoạt động trong lĩnh vực này, chia sẻ “Để vượt qua những áp lực của công việc đòi hỏi phải có sự sẻ chia, đồng cảm và đặt mình vào vị trí của người lao động. Họ là đồng bào của mình, lại sinh sống ở nơi đất khách quê người, hiểu biết về ngôn ngữ, pháp luật của nước bạn còn hạn chế, thì sự hỗ trợ của mình dành cho họ thực sự cần thiết và quý giá. Không chỉ như vậy, chúng tôi luôn cố gắng hướng anh chị em lao động cố gắng giữ gìn hình ảnh của người Việt Nam cũng như khuyến khích họ tham gia các lớp học tiếng Hàn, các hoạt động cộng đồng, cách cách ứng xử trong mối quan hệ lao động, chấp hành pháp luật và hợp đồng lao động”

Người cán bộ tư vấn tại các Trung tâm Hỗ trợ người lao động nước ngoài còn được xem như là người thủ lĩnh tinh thần, dẫn dắt, tổ chức các hoạt động cộng đồng cho người lao động Việt Nam tại địa bàn. Từ các lễ hội của Hàn Quốc, cho đến các lễ hội của người Việt Nam, những chiếc nón lá, những tà áo dài - sắc màu văn hóa truyền thống của người Việt - lại tự tin trình diễn, khoe sắc cùng với các nền văn hóa khác trên đất nước Hàn Quốc. Hoàn thành những công việc nhiều ý nghĩa như vậy là bởi tinh thần trách nhiệm, cái tâm của các chị, được bồi đắp qua thời gian.

Biết rằng, áp lực, khó khăn đó không chỉ đến từ công việc mà còn có những lo lắng cho cuộc sống gia đình. Bởi rằng, so với mức đãi ngộ của những chuyên viên Hàn Quốc ở cùng vị trí, các chị em cán bộ tư vấn vẫn còn những thiệt thòi. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, vẫn luôn thấy những nụ cười lạc quan trên môi, vẫn hết mình vì công việc, vì cộng đồng, vì rằng, họ tìm thấy niêm vui được sẻ chia, giúp đỡ và đồng hành, đồng cảm với niềm vui, sự khó khăn, nỗi buồn của những người đồng bào đang làm việc ở nơi đất khách quê người.

Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc là cộng đồng lớn thứ ba tại Hàn Quốc, với trên 120.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc, trong đó có hơn 47.000 người lao động làm việc theo chương trình EPS.

Hiện nay, Cơ quan phát triển nguồn lực Hàn Quốc ủy thác cho 8 Trung tâm Hỗ trợ người nước ngoài tại Uijeongbu, Incheon, Cheonan, Deagu, Changwon, Gwangju, Gimhae, Ansan thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc. Các Trung tâm này đều có các cán bộ tư vấn tiếng Việt. Ngoài ra, còn có gần 30 Trung tâm hỗ trợ khác do các cơ quan, tổ chức của Hàn Quốc thành lập đang hoạt động trên khắp đất nước Hàn Quốc.

Thời gian qua, Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS thuộc Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Hỗ trợ người lao động nước ngoài để hỗ trợ người lao động giải quyết các vướng mắc phát sinh, tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, vận động người lao động Việt Nam chấp hành pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc.



Tin khác